Ảnh: simplevietnam.com
Hà Nội ồn ào và tấp nập, những tòa nhà cao tầng đang dần mọc lên, tuy vậy đâu đó bên bờ đê Yên Phụ hay Quảng Bá, Nghi Tàm vẫn còn đó những hồ sen e ấp, thôi thúc khám phá bao tâm hồn. Sen đất Việt có nhiều giống, nhiều loài khác nhau. Đi khắp đất nước đâu đâu cũng thấp thoáng bóng sen song duy nhất chỉ có loài sen trăm cánh tại phủ Tây Hồ mới được liệt vào từ điển trăm hoa Đất Việt. Giống nụ sen đó dừng để ướp chè mới cho ra đúng vị trà sen Hà thành xưa nay nức tiếng.
Ảnh: trangon.com
Nói đến nghề ướp chè sen của Hà Nội từ xưa phải nói đến những vùng xung quanh hồ Tây, trong đó có làng Nghi Tàm và Quảng Khánh bởi trước đây bạt ngàn sen. Sen hồ Tây có hương thơm đặc trưng không đâu có được, dịu nhẹ và thanh mát. Khi ướp vào chè, mùi sen thơm nhẹ, quyến rũ, uống vào ngọt giọng, mềm môi. Sáng sớm, ngồi bên hồ Tây gió lộng, nghe tiếng chim gù, nhâm nhi chèn trà ướp sen đã trở thành thú vui tao nhã của người Hà Nội xưa.
Theo nhiều cụ cao niên kể lại thì người Hà Nội xưa uống chè sen phổ biến lắm, nhà nào trong nhà cũng luôn có vài lạng, chủ yếu dùng để tiếp khách quý. Các công đoạn ướp sen phải cực kỳ thận trọng. Để ướp được hương của đất trời từ những bông sen vào với trà, người nghệ nhân phải trải qua ít nhất ba lần ướp, ba lần sấy. Cũng theo các cụ mỗi cân chè phải sử dụng từ 1000 đến 1400 bông sen, tùy độ to nhỏ nhưng tất cả đều phải hái trước bình minh khi cánh sen còn đẫm hơi sương. Cái tài của người nghệ nhân là ở chỗ trải qua bao công đoạn, bao ngày tháng nhưng vẫn giữ được hương sen thuần khiết.
Ảnh: my.opera.com
Hương sen đã tinh tế, vì thế chọn loại chè đi cùng cũng không thể qua loa. Thường chè dùng ướp chè lấy từ mạn Hà Giang búp to, xanh mướt. Trà sau khi hái về được đồ chín cho mất hết vị chát của trà, để khi thưởng thức chỉ thấy vị thơm của hương sen lan tỏa trong miệng. Sau đó người ta đem trà đã đồ chín ra xao khô rồi lót lá chuối ủ trong chum đất từ 3 đến 5 năm. Ủ trà lâu như vậy để trà trở nên tơi xốp, khi ướp chung với gạo sen, hương sen mới ngấm vào trà giúp giữ hương bền hơn. Vì thế, có khi uống tới nước đã trong vắt mà hương sen vẫn còn ngan ngát.
Tiếng vang tinh hoa trà sen Hà Thành nhanh chóng lan tỏa khắp mọi miền. Đến mỗi vung đất trà sen lại có một cách thưởng thức khác nhau. Tuy vậy chỉ có người Hà Nội mới cảm nhận thấy hương vị hòa quyện nguyên sơ, mộc mạc mà tinh tế của hai sản vật mà đất trời ban tặng này.
Người Hà Nội có một cách nhận biết mùa hạ rất khác biệt. Hạ về trên những gánh sen thong dong khắp phố. Hạ về trong thơm ngát mùi hương quyến rũ khi bất chợt ngang qua những phố làm chè. Hạ về trên khuôn mặt ửng hồng của thiếu nữ bên những hồ sen….
Hà nội giờ đây để tìm ra những người biết cách thưởng trà sen đúng cách không còn nhiều. Những gia đình còn giữ nghề ướp chè cũng không còn nhiều. Nhưng đâu đó trong những nét văn hiến từ ngàn xưa của mảnh đất Thăng Long để lại vẫn được lưu truyền cho đến muôn đời sau.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét