Người Nhật uống trà rất nhiều: một chén buổi sáng cho tỉnh ngủ, một chén trước khi bắt đầu bắt tay vào công việc, vài ba chén trong buổi chiều và ít nhất một chén sau mỗi bữa ăn…
Nói đến trà, tiếng Nhật là cha hoặc ocha, đương nhiên có nghĩa là trà xanh, khác với kocha là trà đỏ. Trà xanh được trồng tại những khu vực có khí hậu ấm ở Nhật Bản, trong đó trà của tỉnh Shizuoka chiếm đến một nửa sản lượng trà của toàn Nhật Bản. Một khu vực sản xuất lớn khác là Kyushu.
Nguồn ảnh: tradao
Ở Nhật Bản có rất nhiều loại trà xanh, tùy vào cách trồng và phương pháp chế biến. Loại thông dụng nhất gọi là sencha, chiếm đến 80% tổng sản lượng trà lá sản xuất ở Nhật Bản. Người ta dùng hơi để khử trùng lá trà, đồng thời cũng để lá không bị đổi màu. Lá trà được cuộn lại để giải phóng dịch và các enzym bên trong, sau đó được sấy khô bằng khí ấm, trở nên nhỏ như đầu mũi kim và có màu xanh thẫm.
Gyokuro là loại cao cấp nhất trong các loại trà lá, làm từ những búp mềm, được chọn lọc rất kỹ lưỡng. Cách làm cũng giống như đối với sencha. Bancha là loại trà cấp thấp hơn, làm từ những lá để lại không dùng cho sencha, nước có màu nâu vàng. Khi sencha và bancha được làm nóng cho tới mức lá có màu nâu thì gọi là hojicha. Loại này nước có màu nâu đỏ sẫm.
Matcha là loại trà bột chủ yếu dùng trong trà đạo. Cũng như gyokuro, nguyên liệu phải là những lá được chọn lựa kỹ càng, được hấp bằng hơi, sấy khô và sau đó nghiền thành bột. Khi uống thì cho nước vào bột trà rồi dùng một dụng cụ bằng tre khuấy lên.
Nguồn ảnh: cuocsongviet
Trà du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc. Theo một giả thuyết, trong thời Nara (710-794), rất nhiều nhà sư Nhật Bản sang Trung Quốc và đã mang hạt giống trà về Nhật. Có giả thuyết lại cho rằng trà được đưa tới Nhật Bản khoảng thế kỷ 9. Nhưng theo giả thuyết mà nhiều người chấp nhận nhất, sự khởi đầu của ngành sản xuất trà ở Nhật Bản là năm 1191, khi nhà sư Eisai gieo trong vườn chùa những hạt giống trà mà ông mang từ Trung Quốc về. Rồi ông khuyến khích trồng trà tại các vùng khác của Nhật Bản bằng cách quảng bá những lợi ích về y học của việc uống trà. Mặc dù trà hoang cũng mọc ở Nhật Bản khi đó nhưng chất lượng kém, còn trà trồng từ những hạt giống do nhà sư Eisai mang về được gọi là “trà chính gốc”.
Trong vòng khoảng 500 năm kể từ khi được đưa vào Nhật Bản, trà chỉ được sử dụng dưới dạng bột, tức matcha. Phải đến thế kỷ 16, người ta mới phát hiện ra cách chế biến sencha, tức là trà lá. Trà đạo được ông Sen No Rikyu hoàn thiện vào cuối thế kỷ này, và chính ông đã thay thế những đồ dùng quý hiếm đắt tiền của Trung Quốc trong trà đạo bằng những đồ dùng bình dân của Nhật Bản. Ý nghĩa của trà đạo của Nhật Bản là mang lại sự bình an cho linh hồn và thể xác trong không khí hài hòa tĩnh lặng, lòng kính trọng con người và sự vật, đồng thời chú trọng đến sự sạch sẽ và trật tự.
Trước thời Edo, chỉ tầng lớp quyền quý mới uống trà. Trong thế kỷ 17, người Nhật mới uống trà như kiểu hiện nay, nghĩa là hãm trà bằng nước sôi, nhưng khi đó trà vẫn là một thứ đồ uống xa xỉ, và đến thế kỷ 18 mới phổ biến trong tầng lớp bình dân.
Nguồn ảnh: food
Vào đầu tháng 5, các cửa hiệu bán trà thường trương biển “có trà mới”. Trà hái đầu tháng 5 được gọi là ichiban cha, nghĩa là “trà thứ nhất”. Niban cha (trà thứ 2) là loại được hái vào cuối tháng 6 còn sanban cha (trà thứ 3) được hái vào cuối tháng 7. Càng vào đầu mùa, trong thành phần trà càng có nhiều axít amin nên vị càng thanh, Trà cuối mùa có chứa nhiều axít tanin nên vị chát hơn. Trà mới có hương vị đặc biệt nên ai cũng thích và muốn mua.
Để có một chén trà ngon, người sành uống trà không bao giờ dùng loại nước có nhiều thành phần khoáng chất như muối, sắt, canxi. Tốt nhất là dùng loại nước mềm, tức là nước từ những dòng suối trong vắt từ núi chảy ra. Trà chất lượng càng cao thì khi pha phải dùng nước ít nóng hơn và hãm trà lâu hơn. Với loại trà ngon nhất là gyokuro, nước sôi được để cho nguội bớt, chỉ còn khoảng 50-60oC, và hãm trà trong khoảng vài ba phút.
Khi uống kocha, người Nhật không mấy khi uống thẳng mà thường cho thêm đủ thứ như đường, sữa, chanh, rượu brandy, v,v… nhưng đối với ocha, họ không bao giờ cho thêm đường hoặc sữa vì yếu tố quan trọng nhất cần phải giữ là vị của trà, cũng như hương thơm và màu xanh của trà.
Nhật Bản không phải là nước duy nhất có cách uống trà cầu kỳ. Người Trung Quốc và người Việt Nam cũng có cách thức pha trà rất độc đáo và cũng có truyền thống uống trà lâu đời. Nhưng dường như chỉ ở Nhật Bản, trà mới được nâng lên thành “trà đạo” và đi vào tâm linh của mỗi người, cùng với nhiều truyền thống văn hóa khác.
Sưu tầm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét