Cơm lam không chỉ là món ăn quen thuộc, mà còn là món ăn có giá trị tâm linh đặc biệt đối với người dân vùng cao. Từ món ăn đơn giản, được chế biến bởi những người đi rừng, ngày nay cơm lam trở thành một món ăn đặc sản dùng để đãi khách phương xa cũng là một món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ hội.
Để chế biến được món cơm lam đòi hỏi người “đầu bếp” phải có sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Món ăn đặc sản ấy được làm từ gạo nếp ngâm lẫn với lá thơm đêm trước, cho vào ống nứa non. Khi gạo đã đầy hai phần ba ống, người "đầu bếp" khéo léo đổ nước suối mát lạnh đựng trong những cái bầu khô đen bóng dốc vào từng ống một. Người ta tước những chiếc lá chuối già đã ngả màu vàng và tai tái héo bởi hơi nóng lửa hơ và bắt đầu vê từng cái nút cho vào từng ống nứa.
(Nguồn: Internet)
Những chiếc ống sau khi đã cho đủ gạo và nước, được vùi vào bếp tro hồng. Những hạt gạo dẻo bắt đầu giữ rịt lấy nhau, nước từ thành ống nứa ngấm dần vào từng hạt gạo.... Tưởng đơn giản thế thôi mà cơm lam lại mang hương vị đặc biệt của núi rừng, có thể làm say lòng bất cứ người thưởng thức nào.
Khi mùi thơm bốc lên là cơm đã chín. Khi cơm chín, ta chẻ bỏ lớp cháy đen bên ngoài ống cơm thật khéo léo cho đến khi bao bọc phần ruột cơm chỉ là một lớp nứa mỏng, xắt mỗi ống ra thành năm hay bảy khúc. Khi ăn chỉ cần bóc bỏ lớp nứa bên ngoài. Cơm lam thường được dọn ra ăn cùng với thịt gà hay thịt lợn rừng nướng (những thứ thịt này cũng được nướng trong ống tre). Tuy nhiên, cơm lam ngon nhất vẫn là khi ăn với muối vừng.
(Nguồn: Internet)
Hương thơm, vị bùi của cơm dẻo, vị cay của gừng, vị ngọt của nước ống nứa, vị thanh thanh lá chuối, mùi của khói bếp lửa thật quyến rũ, đủ để mùi cơm lam thơm cả một góc rừng. Cơm lam có thể ăn ngay hoặc để cả tuần mà vẫn mềm, ngon và không bị thiu mốc.
Để thưởng thức món ăn chơi này cũng phải biết cách, nhẹ tay tước từng mảnh của ống cơm, lần lượt, lần lượt... cơm lam lộ ra màu xanh ngọc. Nhai chậm vị béo bùi của nếp, dừa cùng vị ngọt, mặn vừa đủ và hương thơm cứ tan dần trong miệng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét