Dân nhà giàu xưa sống xa xỉ không kém giới quý tộc châu Âu. Họ giàu tiền lắm của, nhiều đất đai, có người ở, đầy tớ và đặc biệt là muốn gì được nấy...
Bàn về chuyện ăn uống của người giàu xưa, theo cuốn Những phú hộ lừng danh Nam Kỳ, họ thường ăn uống cầu kỳ, đủ các thứ món ngon vật lạ, không những có sẵn tại địa phương, đôi khi còn mua những thứ xa xỉ, nhập ngoại.
Rùa, rắn (rắn hổ đất, rắn hổ hành), trăn, cua đinh, lươn ếch, tôm càng, cua biển lột... cho tới thịt heo rừng, thịt nai, chồn, kỳ đà... là lựa chọn số một của dân nhà giàu xưa. Họ không chế biến đơn giản, mà rất phiền phức. Và vì lẽ đó, nhà giàu nào cũng có nuôi thêm người đầu bếp riêng. Nhiều chỗ có đến vài ba đầu bếp: người chuyên nấu món ăn Tàu, người chuyên nấu món ăn Tây và có người chuyên các nhậu của Việt Nam. Minh chứng điển hình nhất là vào năm 1932, công tử Phước Georges qua Pháp du lịch, đã đem theo người đầu bếp chuyên môn nấu món ăn mà cậu thích.
Một gia đình nhà giàu Việt Nam xưa. Ảnh internet
Ở miền Nam, khu vực từ Tiền Giang tới Cà Mau, Rạch Giá, có nhiều điền lớn. Trong mỗi điền, nhà cửa của họ được cất như dinh thự, kiểu villa, nhà lầu. Có những chủ điền là người có học, đỗ đạt bằng cấp cao, nhưng không ra làm quan. Họ hưởng thụ đời sống cao hơn cả những ông tổng đốc, tuần phủ ngoài Bắc. Tới thăm nhà họ bất chợt, chỉ trong vòng một giờ, trên bàn đã có sẵn 5, 6 món ăn, món nào cũng ngon như tôm càng lớn, cá nướng trụi, cá vồ (loại nuôi bằng cám trong hồ), kho lạt, nấu canh chua... Nhiều nhà còn mời khách ăn gà đút lò, heo sữa quay trong lò hầm gạch, vịt sen nấu cháo.
Là món ăn lạ của ông Hội đồng Cảnh ở Nha Mân, heo sữa quay trong lò hầm gạch có quy trình chế biến cực cầu kỳ. Mỗi lần hầm gạch, đến khi dứt kỳ chụm lửa, vì gạch đã chín mới lấy ra khỏi lò thì bắt đầu làm heo sữa đút lò. Phải lựa thứ heo con lớn bằng con thỏ, vừa 4 người ăn, cạo sạch, mổ bụng lấy bộ lòng dành nấu cháo khuya. Heo làm xong, ướp gia vị, ngũ vị hương, chao đỏ, tàu hủ đỏ, đặt trong đã bàn hình bầu dục, còn gọi đã hột xoài. Tất cả được để trên cái mâm rồi dùng đồ kê, đưa vào trong lò gạch còn nóng, đóng bít cửa lò lại. Trong lúc chờ đợi, khách được mời ăn trứng gà lộn trái vải, gỏi cuốn tôm càng, chạo tôm, chả giò uống rượu mạnh vị khai vị. Khoảng trên dưới một giờ, heo sữa đút lò chín, đem ra thơm mùi ngũ vị hương, da giòn rụm, thịt mềm, ngọt và thơm.
Đuông dừa. (Ảnh: Thế giới côn trùng)
Còn ông Hội đồng Ngô Phong Điệu tại Bạc Liêu lại thích món đuông, mà phải loại đuông nuôi bằng mía mới ngọt và thơm. Đuông là ấu trùng của con kiến dương, có hình con nhộng, dùng bơ chiên làm món nhậu rất hấp dẫn; thường sống trên đọt cây dừa, cây chà là, cây đủng đỉnh. Trong đó, đuông chà là là thịnh hành nhất và chỉ người sành ăn mới biết loại này.
Ông Hội đồng Điệu thường cho nuôi đuông bằng mía trong nhà và ông có cả một nghệ thuật ăn đuông. Với đuông chà, ông thường yêu cầu đầu bếp dùng bơ, mỡ chiên vàng, có khi lăn bột rồi chiên, là món nhậu khoái khẩu. Tuy nhiên, dù ăn bằng cách nào trước hết cũng phải ngâm đông trong nước muối, hay nước mắm cho nhả chất dơ.
Dân nhà giàu xưa cũng rất "bồ kết" món bò gác tréo - phải lựa bò tơ, làm sạch, thui vàng, nướng nguyên con trên lửa than hồng. Con bò lăn trong trên một cây trục, hai đầu gác lên hai trụ bằng tre, xóc thành cái nạng như bắc cầu khỉ ở thôn quê; được quay chầm chậm liên tục trên lửa than cháy riu riu. Khi bò vừa chín, lớp mỡ chảy xuống than nóng nghe xèo xèo. Mọi người sắp hàng một, tay cầm đĩa, dao; lần lượt tới vị trí con bò quay trên bếp than hồng và cắt thịt. Bước kế tiếp tiến tới chỗ để rau sống, đủ các loại, thêm chuối, khế... rồi tới chỗ lấy nước mắm pha sẵn hay mắm nêm. Cuối cùng tối chỗ để rượu đủ loại, tha hồ uống...
(theo amthuckhachsan)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét