Ta có thể chia 8 vị thuốc trong trà bát bảo thành hai nhóm.
Nhóm các vị thuốc mát gồm có lá tre, rễ cỏ tranh, kim ngân, ngưu tất. Theo Đông y, lá tre có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giảm sốt; Rễ cỏ tranh có tác dụng thông tiểu, cầm máu, làm mát máu; Kim ngân là vị thuốc thanh nhiệt, giải độc rất thông dụng, còn ngưu tất có tác dụng tán ứ, cường gân, tráng cốt.
Nhóm các vị thuốc bổ gồm thục địa, ý dĩ, cam thảo và mía. Thục địa có tác dụng dưỡng huyết, bổ thận, làm đen tóc; Ý dĩ có tác dụng kiện tỳ, bổ phế, thanh nhiệt; Cam thảo giải độc, nhuận phế, điều hoà các vị thuốc khác; Mía có giá trị giải khát, mát phổi, lợi đờm, thông tiểu, điều hoà tỳ vị, chống nôn.
Các vị thuốc trong trà bát bảo đều là những vị thuốc dân gian, không có độc tính, rất dễ kiếm, có thể thu hái ngay trong vườn nhà, trên đường làng, ngõ xóm hoặc mua ở các cửa hàng bán thuốc Đông dược. Trường hợp ở địa phương không có sẵn những vị trên có thể thay thế bằng những vị thuốc khác có tác dụng tương tự. Thí dụ, người ta có thể thay lá tre bằng rau má, nhân trần; Thay rễ cỏ tranh bằng râu ngô, lá mã đề; Thay ngưu tất bằng thổ phục linh, tỳ giải; Thay kim ngân bằng bồ công anh, sài đất...
Cách nấu trà bát bảo rất đơn giản. Chúng ta có thể tự pha chế trà bát bảo dùng tại gia đình theo công thức sau: Thu hái hoặc mua 8 vị thuốc trên ngay tại các cửa hàng bán thuốc Nam ở địa phương. Lấy lá tre để tươi 20g, rễ cỏ tranh 5g, hoa hoặc cành lá kim ngân 5g, rễ ngưu tất 5g, thục địa 5g, cam thảo 5g, ý dĩ 5g, mía 50g. Cho các dược liệu trên (trừ mía chẻ thành thanh nhỏ) vào nồi hoặc ấm nhôm cùng với một lít nước. Đun cho đến khi sôi rồi giữ lửa nóng âm ỉ trong 15 - 20 phút là được.
Dùng trà này thay nước uống hằng ngày. Khi dùng chắt lấy nước uống lúc còn nóng hay để nguội đều tốt cả tuỳ theo sở thích từng người. Chú ý, dùng đến đâu pha chế đến đó, không dùng nước để qua ngày.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét